Tin tức sáng 24-10: Nhà ở thương mại quý 3 tăng 300%; Việt Nam chi hơn 2 tỉ USD nhập khẩu bắp
Dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý 3-2023 tăng 300%
Tin tức từ Bộ Xây dựng cho biết bộ này vừa thông tin về số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành và đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong quý 3-2023.
Theo đó, với dự án phát triển nhà ở thương mại, trên cả nước đã hoàn thành 21 dự án với 7.633 căn, số lượng dự án hoàn thành tăng 300% so với quý 2-2023.
Cụ thể, tại miền Bắc có 6 dự án với 1.843 căn; tại miền Trung có 3 dự án với 195 căn; tại miền Nam có 12 dự án với 5.595 căn.
Đối với các dự án đang triển khai xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết có 863 dự án với 442.453 căn, số lượng căn hộ của các dự án đang triển khai xây dựng tăng 106,99% so với quý trước đó.
Cụ thể, tại miền Bắc có 366 dự án với 282.452 căn, tại miền Trung có 377 dự án với 90.856 căn, tại miền Nam có 120 dự án với 69.346 căn.
Về dự án được cấp phép mới, có 15 dự án với 3.028 căn, số lượng dự án được cấp phép mới tương đương so với quý 2-2023. Còn với dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai có 47 dự án với 8.208 căn, số lượng căn hộ tại các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng 132,28% so với quý trước.
Việt Nam chi hơn 2 tỉ USD nhập khẩu bắp các loại trong 9 tháng 2023
Theo tin tức từ số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bắp các loại trong 9 tháng năm 2023 đạt trên 6,51 triệu tấn, trị giá trên 2,03 tỉ USD.
Giá trung bình 312 USD/tấn, giảm 2,3% về lượng, giảm 14,3% kim ngạch và giảm 12,3% về giá so với 9 tháng năm 2022.
Trong đó, riêng tháng 9-2023 đạt 1,16 triệu tấn, tương đương 318,12 triệu USD, giá trung bình 274 USD/tấn, tăng 8% về lượng và tăng 2,5% kim ngạch so với tháng 8-2023, nhưng giá giảm 5,1%.
So với tháng 9-2022, tăng mạnh 45,2% về lượng, tăng 15% về kim ngạch nhưng giảm 20,7% về giá.
Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp bắp cho Việt Nam trong 9 tháng năm 2023, tiếp đến là Brazil, Ấn Độ.
Yêu cầu các nhà mạng chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo lợi dụng đầu số dịch vụ
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã yêu cầu các nhà mạng di động khẩn trương có biện pháp, cơ chế ngăn chặn tình trạng lợi dụng các dịch vụ của nhà mạng để thực hiện cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo.
Theo đó, các nhà mạng di động được yêu cầu phải áp dụng cơ chế, biện pháp lọc tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo cho các dịch vụ của doanh nghiệp. Đồng thời, tạm dừng các dịch vụ nếu chưa có biện pháp chặn lọc.
Riêng các nhà mạng MobiFone và VNPT chỉ được tiếp tục thực hiện dịch vụ tin nhắn từ đầu số dịch vụ lời nhắn thoại sau khi đã áp dụng các biện pháp chặn lọc tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo.
Trước đó, Cục Viễn thông cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của báo chí và người dùng về việc các đối tượng lợi dụng các dịch vụ của nhà mạng di động và giả mạo Brandname của nhà mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng.
Hàng không, logistics vẫn ‘khát’ nhân sự
Các doanh nghiệp hàng không, cảng biển, logistics cho biết vẫn đang khát nhân sự chất lượng khi thị trường phục hồi.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, tổng giám đốc Công ty Tân Cảng STC thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho rằng ngành vận tải biển, cảng biển Việt Nam tiềm năng phát triển rất lớn.
Ngay Công ty Tân Cảng, nhân sự có 17.200 người, trong đó 7.200 nhân viên cảng và hơn 10.000 công nhân thuê ngoài…
Trước sự phát triển không ngừng của ngành logistics, việc bổ sung nguồn nhân lực là việc hết sức quan trọng.
Thống kê của công ty, đến năm 2025 nhu cầu tuyển gần 1.500 người làm việc vận hành thiết bị (cẩu, xe nâng), lái xe container; điều độ, khai thác… Dự báo từ năm 2030 – 2040, nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ còn rất lớn.
Với hàng không, tin tức từ thống kê của Học viện Hàng không Việt Nam, hiện có khoảng 44.000 nhân sự đang làm việc trong ngành hàng không. Dự báo đến năm 2025, nhân lực trong ngành sẽ đạt hơn 58.000 người.
Trước nhu cầu phát triển của các sân bay, nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển trong lĩnh vực này đang đứng trước nhiều thách thức.
Chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có chỉ thị tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, phải kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt.
Rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công tác cán bộ, công chức có năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm.
Trường hợp đùn đẩy, né tránh để xảy ra việc chậm trễ hoặc không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm tra đột xuất, chuyên đề và kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ hồ sơ nhiều lần, không thực hiện đúng hoặc tự đặt theo quy định trong giải quyết thủ tục hành chính.